TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 20/04/2024

Vì sao đến nay Thái Bình vẫn chưa có cơ sở hỏa táng?

13:55 30/04/2020
Logo header Liên quan đến vụ án vợ chồng “trùm giang hồ” khoác áo doanh nhân tên là Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) cố ý gây thương tích, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục mở rộng điều tra nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác của các đối tượng này, trong đó có cả việc băng nhóm “Đường Nhuệ” bị tố cáo là ăn chặn cả tiền mai táng người chết.

Theo đó, nhiều công ty tổ chức tang lễ trần tình rằng muốn đưa người chết đi hỏa táng tại Nam Định hay Hải Phòng thì tất cả các xe dịch vụ đều phải đóng một khoản phí nhất định cho “đại ca” này. Khi tin tức được phản ánh, dư luận không khỏi bàng hoàng và cho rằng hành vi này là tận cùng của sự khốn nạn và bất nhân. Nhưng giờ đây, khi “Đường Nhuệ” đã bị bắt giữ, liệu “người chết” có được an yên để đưa đi hỏa táng hay không, cũng là một vấn đề đáng phải bàn?

Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình hay còn gọi là Công viên nghĩa trang Thanh Bình ở huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Làm sao để người chết an yên khi mang đi hỏa táng?

Sinh - Lão - Bệnh - Tử là quy luật của tự nhiên, không có ai có thể tránh khỏi được. Con người khi sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành, đến lúc già nua thì qua đời. Đến cuối chặng đường đời, ai cũng hy vọng mình sẽ có một kết thúc tốt đẹp, nhẹ nhàng nhất. Như những thời điểm trước, sau khi người mất đi, gia đình sẽ mang đi chôn hay còn gọi là địa táng. Tuy nhiên, ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì chúng ta lại có thêm một lựa chọn khác, đó chính là hình thức mang đi thiêu hay còn gọi là hỏa táng. Đây là hình thức thiêu xác người đã mất trong lò hỏa táng, rồi lấy tro cốt cho vào hũ hoặc bình (còn gọi là tiểu). Tùy theo từng vùng miền, tôn giáo mà phần tro cốt này sẽ được mang đi chôn, gửi trong chùa hay rải xuống sông, hồ, đồi núi theo như ước nguyện của người quá cố. Với mục tiêu từng bước đưa việc sử dụng hình thức hỏa táng trở thành phổ biến của người dân Việt Nam tại các địa phương trên toàn quốc theo hướng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường. Ngày 26/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2282/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng. Theo đó, về quy hoạch cơ sở hỏa táng, nghĩa trang, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm: “Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; Tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm thúc đẩy hoạt động hỏa táng tại các khu vực dân cư trên địa bản; Lập và tổ chức thực hiện dự án thí điểm đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng phù hợp với nhu cầu và điều kiện của địa phương. Về đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng, Quyết định khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các cơ sở hỏa táng; khuyến khích xây dựng, đề xuất các cơ chế cho vay ưu đãi vốn đầu tư xây dựng từ Ngân sách Nhà nước, tín dụng ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng…”

Trong khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng các nhóm cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng tiến tiến, hiện đại trong việc tang nhằm góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiện đất đai và hướng tới phát triển bền vững; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở hỏa táng cũng như nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và cung cấp các thiết bị hỏa táng hiện đại, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo vệ sinh môi trường, thì tại tỉnh Thái Bình cho đến nay, người chết vẫn phải mang sang tỉnh lân cận để hỏa thiêu là lý do vì sao? Tỉnh Thái Bình không đủ năng lực để xây dựng cơ sở hỏa táng, hay do quy hoạch sử dụng đai còn hạn chế hoặc đang “chậm chân” trong việc thực hiện Quyết định số 2282/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ?

Việc tỉnh Thái Bình chưa có cơ sở hỏa táng đã dẫn đến hệ lụy là để những thành phần bất hảo xưng hùng xưng bá rồi kiếm chác, ăn chặn cả tiền của người chết. Thực tế những người dân sinh sống ở Thái Bình cho biết, Đường đã tự đứng ra thành lập cái gọi là “Hiệp hội tang lễ Thái Bình” và hoạt động có dấu hiệu bảo kê, cưỡng đoạt tài sản. Về hành vi cưỡng đoạt tài sản núp bóng dưới hình thức hoạt động của Hiệp hội, Ban chỉ đạo 1539 thông tin: Từ tháng 12/2017, bằng nhiều thủ đoạn đe dọa, gây rối, khống chế, Nguyễn Xuân Đường và đồng bọn đã buộc Công ty Thành Phát - là Công ty làm dịch vụ hỏa táng cho Công ty cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long (quản lý điều hành Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình) phải ngừng hoạt động tại Thái Bình. Tiếp đó, Đường đã đứng ra phân chia địa bàn hoạt động cho các công ty dịch vụ tang lễ và tự ý đặt ra quy định về các khoản nộp bắt buộc tính trên số ca hỏa táng (được gọi là hội phí và quỹ từ thiện), nhưng toàn bộ số tiền đó là do Đường thu và toàn quyền quyết định. Sau khi giang hồ “Đường Nhuệ” bị bắt, các cơ sở dịch vụ tang lễ trong tỉnh Thái Bình dưới danh nghĩa “Hiệp hội Hỏa táng Thái Bình” đã cùng nhau nhóm họp trên tinh thần thống nhất cùng nhau đề xuất với Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình (Nam Định), xin giảm chi phí hỏa táng cho nhân dân, đồng thời Hiệp hội này sẽ tiếp tục đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để hoạt động đi vào quỹ đạo. 

Bát nháo danh xưng “Hiệp hội”

Hội (Hiệp hội) được quy định trong Nghị định 45/2010/NĐ-CP, được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, cùng chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; được tổ chức và hoạt động theo Nghị định nêu trên và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Người đứng đầu ban vận động thành lập Hội, ngoài việc là công dân Việt Nam, sống thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự thì còn phải hội tụ đầy đủ sức khỏe, uy tín trong lĩnh vực hội dự kiến hoạt động. Về điều kiện thành lập Hội (Hiệp hội) phải đáp ứng được các điều kiện như: có mục đích hoạt động không trái với pháp luật, có điều lệ, trụ sở, có số lượng công dân, tổ chức đăng ký tham gia theo quy định. Muốn thành lập Hội, những người sáng lập phải thành lập Ban vận động thành lập Hội. Ban này phải được cơ quan quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công nhận. Theo đó, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ cho phép thành lập Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh (trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác). Việc tổ chức, hoạt động, quyền và nghĩa vụ của Hội được quy định tại Chương IV của Nghị định 45/2010/NĐ-CP; Việc quản lý Nhà nước đối với Hội được quy định tại Chương VII của Nghị định này.

Trở lại câu chuyện dịch vụ tang lễ ở Thái Bình sau khi vụ việc liên quan đến “Đường Nhuệ” được phanh phui, bỗng nhiên thấy xuất hiện các Hội tang lễ Thái Bình, Hiệp hội hỏa táng Thái Bình. Vậy các tổ chức này có thực sự tồn tại chính danh theo pháp luật hay chỉ là “tự phong”? Cái Hội của Đường tự đặt ra thì rõ ràng rồi, vậy còn cái gọi là Hiệp hội hỏa táng Thái Bình thì sao? Nếu như Hiệp hội này thực sự tồn tại theo đúng quy định của pháp luật thì mục đích chủ yếu của Hiệp hội này là gì? Đã hỗ trợ được gì cho nhân dân, đóng góp được gì cho xã hội trong thời gian qua? Liệu có bao nhiêu hội viên trong Hiệp hội này là chân rết, tay sai, đàn em của “Đường Nhuệ”? Và nếu như cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền rà soát không có chế tài quản lý chặt chẽ việc hoạt động của Hiệp hội này thì ai dám đảm bảo rằng mai kia không có một “Đường Nhuệ” thứ hai, thứ ba…? Vậy giải pháp nào cho “người chết” được an yên khi đưa đi hỏa táng?

Thiết nghĩ, đây là lúc UBND tỉnh Thái Bình cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề mà lâu nay đã lãng quên hoặc chưa thực sự lưu tâm tới. Sự chậm trễ trong việc thực hiện Quyết định 2282/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã  khiến “người sống” trong tỉnh phải ấm ức thay cho “người chết”. Vì thế, việc lập và tổ chức thực hiện dự án xây dựng cơ sở hỏa táng nhằm phục vụ người dân địa phương là hết sức cần thiết; cần phải xóa bỏ tổ chức gọi là Hiệp hội hỏa táng Thái Bình (nếu có), bởi lẽ nếu địa phương này có cơ sở hỏa táng, người dân hoàn toàn có thể liên hệ trực tiếp với đơn vị vận hành cơ sở hỏa táng khi phát sinh nhu cầu mà không cần đến khâu trung gian. Hy vọng với phương châm “luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết”, tỉnh Thái Bình sẽ sớm giải quyết được nhu cầu thiết yếu của người dân nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

Hiền Anh - Nguyễn Hân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 08 - 20

Bình luận: 0