Xây dựng Nghị định quy định hoạt động lấn biển phù hợp với các quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế của Việt Nam
Vùng biển nước ta vô cùng rộng lớn với trên 4000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó riêng vùng biển Đông Bắc đã có trên 3000 đảo, ngoài ra còn có khoảng 40 đảo thuộc Bắc Trung Bộ, còn lại thuộc vùng biển Nam Trung Bộ, Tây Nam và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở trung tâm biển Đông. Dải đất hình chữ S hiện có 28 tỉnh thành giáp biển gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang (chiếm tới gần 1/2 diện tích và dân số của cả nước), với 136 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (trong đó có 12 huyện đảo) và 675 xã, phường, thị trấn tiếp giáp biển; dọc bờ biển Việt Nam có trên 50% số đô thị lớn của cả nước. Nhiều vùng biển tương đối nông thuộc thềm lục địa địa lý (đến độ sâu 200m) chiếm toàn bộ diện tích vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, vùng biển trước châu thổ sông Cửu Long và thắt hẹp lại ở miền Trung nước ta như tại vịnh Bắc Bộ có độ sâu trung bình khoảng từ 40 - 50m, nơi sâu nhất khoảng 100m, đáy biển tương đối bằng phẳng, độ dốc nhỏ. Cùng với đó, cũng có nhiều bãi bồi được hình thành tại của sông lớn ven biển như bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn được tính từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III, và từ đê Bình Minh III đến Cồn Nổi với tổng diện tích khoảng 7.000ha. Hay như tại Cà Mau, do ảnh hưởng hệ thống dòng chảy của biển Đông và dòng chảy của biển Tây và với sự góp phần của 2 con sông lớn là sông Cái Lớn và sông Bảy Háp đã hình thành nên vùng Bãi Bồi Mũi Cà Mau nằm ở phía Tây huyện Ngọc Hiển. Mỗi năm, nhờ phù sa bồi đắp, vùng đất Bãi Bồi lấn thêm ra biển gần 100m…
Ảnh minh họa
Gần đây, xu thế khai thác và sử dụng đất bãi bồi ven biển phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng. Thêm vào đó, với lợi thế có nhiều khu vực biển ven bờ nông, nhiều bãi bồi, đã rất thuận lợi cho các hoạt động lấn biển. Trong những năm qua, ngày càng có nhiều dự án lấn biển ra đời, nhiều dự án lấn biển quy mô lớn đã và đang được thực hiện. Tính đến cuối năm 2017, ở Việt Nam đã có 71 khu lấn biển tại 19 tỉnh thành ven biển. Nhìn chung, hoạt động lấn biển xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển với quy mô khác nhau nhưng chỉ có một số khu vực lấn biển có quy mô lớn như tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang… Việc lấn biển đã trở thành một hướng mở tích cực cho các đô thị, khu vực ven biển, khẳng định một hướng phát triển cần thiết cho tương lai. Đây không chỉ là giải pháp để mở rộng quỹ đất, phát triển kinh tế - xã hội mà còn là giải pháp chủ động ứng phó với tình trạng xói lở bờ biển, nước biển dâng. Theo một số chuyên gia nhận định: “Trong các năm tiếp theo, khu vực ven biển sẽ là tâm điểm cho sự phát triển trong tương lai với sự gia tăng dân số, mở rộng các ngành công nghiệp, du lịch và quá trình đô thị hóa. Thêm vào đó, các hoạt động khai khoáng, lấn biển cũng được thực hiện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Các dự án lấn biển này đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian vừa qua, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn ở khu vực ven biển, hải đảo. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng đang gây ra nhiều ảnh hưởng tới đời sống cũng như sinh kế của người dân ven biển nước ta, lấn biển cũng được coi là một giải pháp thích ứng chủ động với biến đổi khí hậu. Tuy vậy, hiện nay pháp luật vẫn chưa có các quy định cụ thể đối với hoạt động này điều này đang dẫn đến nhiều thách thức đối với việc quản lý tài nguyên, môi trường.”
Do các công trình, hoạt động lấn biển có thể làm thay đổi điều kiện tự nhiên, địa hình, cảnh quan. Làm thay đổi chế độ thủy động lực của khu vực, làm thay đổi dòng chảy ven bờ, gây bồi lắng, sạt lở ở khu vực lân cận và gây xói lở bờ, làm mất an toàn cho chính các công trình. Hoạt động lấn biển cũng có thể gây ra tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên biển, tác động tiêu cực tới đời sống, sinh kế, gây ra các vấn đề xã hội khác của cộng đồng dân cư ven biển. Nhưng trong khi đó, pháp luật hiện hành gần như chưa có các quy định cụ thể đối với hoạt động này. Pháp luật đất đai chỉ quy định nguyên tắc chung về việc khuyến khích hoạt động khai hoang, lấn biển. Pháp luật về đầu tư chỉ quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, trong đó có quy định liên quan đến thẩm quyền đối với một số dự án lấn biển có quy mô lớn. Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chỉ quy định việc khai hoang, lấn biển trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển chỉ được thực hiện khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; tuy nhiên, cơ bản hoạt động lấn biển lại không thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển (vì nằm ngoài đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm). Pháp luật bảo vệ môi trường có quy định một số dự án lấn biển có quy mô lớn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên không có yêu cầu quy định cụ thể đối với các dự án có hoạt động lấn biển…. Nhận thấy có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc quản lý hoạt động lấn biển, vào cuối năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về lấn biển. Đến nay Bộ đang đề xuất quy định về cấp phép lấn biển.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay đang có 2 phương án xin ý kiến. Phương án 1: Có cấp phép lấn biển. Phương án 2: Không có cấp phép lấn biển. Đối với phương án có cấp phép lấn biển, Bộ đề xuất quy định như sau: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép lấn biển trong các trường hợp sau đây: Dự án đầu tư lấn biển thuộc thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án đầu tư lấn biển có phạm vi ranh giới lấn biển thuộc hai hay nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; dự án đầu tư lấn biển có diện tích lấn biển từ 20ha trở lên, hoặc có chiều dài đường ranh giới lấn biển từ 1.000m trở lên. UBND cấp tỉnh cấp giấy phép lấn biển không thuộc trường hợp quy định trên. Điều kiện được cấp giấy phép lấn biển: Dự thảo nêu rõ điều kiện cấp giấy phép lấn biển như sau: Phù hợp với kế hoạch lấn biển đã được phê duyệt; có văn bản chấp thuận thực hiện dự án đầu tư lấn biển; có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; có phương án lấn biển theo quy định. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lấn biển bao gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép lấn biển, phương án lấn biển theo quy định, bản sao văn bản chấp thuận thực hiện dự án đầu tư lấn biển, bản sao quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường.
Trình tự, thủ tục cấp giấy phép lấn biển: Trình tự, thủ tục cấp giấy phép lấn biển thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được đề xuất như sau: Chủ dự án đầu tư nộp 1 bộ hồ sơ theo quy định đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển. Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển ban hành văn bản tiếp nhận và hẹn trả kết quả. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển hướng dẫn bằng văn bản cho chủ đầu tư để bổ sung, hoàn thiện. Trong thời hạn không quá 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển tổ chức và hoàn thành thẩm định hồ sơ. Việc thẩm định thực hiện thông qua hội đồng thẩm định và kiểm tra thực địa. Hội đồng thẩm định gồm đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện UBND cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện hoạt động lấn biển. Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển quyết định cấp giấy phép lấn biển. Trường hợp không cấp giấy phép lấn biển thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Trong thời hạn không quá 1 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép lấn biển, cơ quan có thẩm quyền cấp phép lấn biển có trách nhiệm gửi giấy phép cho chủ đầu tư và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, UBND cấp tỉnh nơi có dự án lấn biển.
Nghĩa Huy
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 65 - 21
Tin tức liên quan
- Một số luật có hiệu lực thi hành từ năm 2024 (09:11 22/12/2023)
- Luật Cảnh sát biển Việt Nam từng bước đi vào đời sống thực tiễn (12:08 18/06/2022)
- Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kỳ 2) (09:12 13/06/2022)
- Từng bước bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản sửa đổi (03:01 06/06/2022)
- Tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (11:44 06/06/2022)