TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 26/04/2024

Ý thức, tinh thần trách nhiệm, tự giác của mỗi người là yếu tố quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh

22:06 10/06/2021
Logo header Trong bối cảnh dịch COVID - 19 đang diễn biến phức tạp, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống dịch thì ý thức của mỗi người là rất quan trọng và cần thiết. Một trong những yếu tố căn bản để Việt Nam kiểm soát được dịch COVID - 19, số người nhiễm bệnh và tử vong không cao là nhờ vào sự chấp hành tốt các quy định phòng dịch của người dân. Khi cơ quan y tế khuyến cáo mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên thì đa số người dân thực hiện. Khi chính quyền ra lệnh cách ly xã hội, hầu như người dân tuyệt đối chấp hành. Đó chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trước mối nguy lớn từ đại dịch.

Việc chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch còn thể hiện trách nhiệm công dân. Mỗi một công dân biết tự bảo vệ mình là cộng đồng được an toàn, một quốc gia an toàn thì giúp cho thế giới được an toàn. Không chỉ chấp hành phòng dịch, nhiều cá nhân, tổ chức đã thể hiện tinh thần trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người yếu thế. Những hoạt động như ATM gạo, tặng khẩu trang trên đường, góp thực phẩm cứu trợ người dân vùng sâu, vùng xa tạo nên một sinh khí dập tắt sự u ám của dịch bệnh. Cùng với việc giúp đỡ lẫn nhau, nhiều cá nhân, doanh nghiệp gửi quà tặng, nước uống, thực phẩm tặng y sĩ, bác sĩ ở các tâm điểm cứu người.

Tại Hà Nội các phương tiện giao thông cộng thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế

Trên tuyến đầu chống dịch, các thầy thuốc cảm thấy ấm lòng, tự tin và quyết tâm hơn khi thấy bà con gửi gắm niềm tin và sự quý trọng đối với mình. Đa số người dân Việt Nam thể hiện tinh thần vì cộng đồng và trách nhiệm công dân trong việc phòng, chống đại dịch. Tuy nhiên đâu đó vẫn có người thiếu ý thức với chính bản thân, gia đình và cộng đồng để dịch bệnh có cơ hội lây lan, họ không hiểu hết nghĩa từ: “chống dịch như chống giặc”, cũng không ít người ngồi cắm mặt vào bàn phím “chém gió”… rồi lại có những kẻ tỏ ra hả hê khi có thêm ca bệnh mới, rồi vui sướng viết chữ “toang”... Có người lại chia sẻ (share) những tin bịa đặt, tiêu cực trên mạng xã hội gây hoang mang, sợ hãi cho người dân. Cùng với những “anh hùng bàn phím” là một số người không chấp hành các quy định của chính quyền, khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch. Nhiều người ra đường không mang khẩu trang, không rửa tay, vẫn tụ tập nhóm đông người ăn nhậu. Ngang ngược hơn, có những kẻ chống lại những người thi hành công vụ, đi nhắc nhở đeo khẩu trang, cấm tập trung đông người. Điển hình, như người bệnh số 2.899 tại Hà Nam đã không tuân thủ quy định cách ly tại nhà, vẫn tiếp xúc với người khác để dịch bệnh lây lan cho nhiều người. Mới đây, là trường hợp hai vợ chồng (người bệnh 3.633 và 3.634) tại TP Hà Nội đã không khai báo y tế theo quy định, làm lây lan bệnh cho ba người. Nhiều nơi ở Hà Nội đã bị tạm phong tỏa vì liên quan hai người bệnh nêu trên. Không chỉ những trường hợp khai báo y tế không trung thực, còn có những trường hợp là F1 mà không chịu đi cách ly tập trung, đối tượng F1 nói trên là Phạm Thị Q (SN 1977, trú tại tổ 6, phường Trần Nguyên Hãn, thành phố Bắc Giang). Qua điều tra truy vết, cơ quan chức năng xác định Phạm Thị Q có tiếp xúc với F0 là bệnh nhân Đ.V.S. ở huyện Yên Dũng. Tuy nhiên khi chính quyền thành phố Bắc Giang ra quyết định cách ly tập trung thì Phạm Thị Q kiên quyết không đồng ý, lên tầng 3 nhà mình cố thủ, chống đối. Sau nhiều giờ thuyết phục, vận động không có kết quả, đến tối 26/5, lực lượng chức năng thành phố Bắc Giang đã phải điều xe thang chuyên dụng để đưa lực lượng lên tầng 3 nhà Q, cưỡng chế áp giải đối tượng đi cách ly tập trung. Cơ quan chức năng cho rằng, đây là một trong những trường hợp điển hình không tuân thủ các quy định của ngành y tế trong phòng, chống dịch dẫn đến lây nhiễm COVID - 19 tại cộng đồng.

Các khu vui chơi trong khu đô thị cũng căng băng rôn khuyến cáo người dân chấp hành nghiêm trong phòng chống dịch

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện các trường hợp cố tình vi phạm phòng, chống dịch như: Tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, trốn khỏi các khu cách ly tập trung, không tuân thủ quy định cách ly tại nhà, không thực hiện khai báo y tế hoặc khai báo gian dối... Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm, kể cả đối với cán bộ, công chức nhà nước, không nể nang, né tránh vì đây là công tác liên quan sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền… đều bị nghiêm cấm, có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc vi phạm quy định phòng, chống dịch đối với người bệnh 3.634; đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh đối với Phòng khám đa khoa quốc tế Thu Cúc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để xác minh, xử lý các thông tin liên quan đến quá trình tiếp nhận, xử lý ca bệnh COVID - 19 và các địa phương tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm phòng, chống dịch thời gian qua… cho thấy các hành vi vi phạm đều bị xử phạt nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID - 19 trên thế giới và trong nước cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch thì ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh. Mọi người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, nâng cao ý thức phòng, chống dịch, có những biện pháp bảo vệ phù hợp, kịp thời. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, với mục đích để giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng trước đại dịch COVID - 19. Mỗi người dân và gia đình cần gương mẫu tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Tránh tụ tập ăn uống, tổ chức liên hoan, sinh hoạt tập thể, đồng thời chủ động phát hiện, tố giác và thông báo kịp thời tới chính quyền địa phương những trường hợp nhập cảnh trái phép, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch tại nơi cư trú. Đó chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm công dân trước mối nguy lớn từ đại dịch. Đây sẽ là những “chốt chặn” quan trọng nhất để cùng với lực lượng tuyến đầu thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID - 19 ở nước ta.

Dũng Lê

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 65 - 21

Bình luận: 0