TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 25/04/2024

UBND xã cần sớm giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đầm bãi

16:57 27/05/2021
Logo header Trong những năm qua, Nhà nước đã có rất nhiều thay đổi về chính sách đất đai. Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai đã được sửa đổi bổ sung 04 lần (1987, 1993, 2003 và mới đây nhất là năm 2013). Hàng trăm văn bản dưới luật cũng được ban hành, sửa đổi nhưng vẫn còn không ít vấn đề đang cần phải hoàn thiện. Trình độ, năng lực cán bộ quản lý đất đai, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế trong khi đất đai có những biến động rất nhanh và phức tạp, nên công tác quản lý về lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý và sử dụng đất đai chưa được điều chỉnh và xử lý kịp thời, khiếu kiện về đất đai chiếm phần lớn về tổng số vụ kiện và có nhiều vụ việc kéo dài. Khu vực nuôi trồng thủy sản tại xã Vinh Quang cũng là một trong những sự việc như vậy. Ông Mai Đức Quy đã nhiều năm khiếu nại với UBND xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng để làm rõ những bất cập trong việc bàn giao đất để gia đình ông sử dụng nuôi trồng thủy sản nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ở nước ta từ nhiều năm nay, những vấn đề bất cập gây tranh cãi, khiếu nại kéo dài xảy ra trong lĩnh vực quản lý đất đai ngày càng có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp. Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Tính phức tạp, gay gắt của tranh chấp đất đai không chỉ dừng lại ở khía cạnh tranh chấp dân sự mà còn có thể dẫn đến các vụ án hình sự, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Vì vậy, giải quyết tranh chấp đất đai là một nội dung rất quan trọng và không thể thiếu của pháp luật đất đai. Theo Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập. Chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ, có những quy định chưa sát thực tế, thiếu cụ thể. Nội dung khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý đất đai chủ yếu tập trung vào các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm 70%); về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (chiếm 20%); về cấp, thu hồi Giấy CNQSDĐ (chiếm 10%). Trong tổng số quyết định hành chính về đất đai bị khiếu nại, tố cáo thì tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và có đúng, có sai chiếm 47,8%. Trong số các vụ được đưa ra xét xử tại Tòa án thì tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần chiếm 19,5% (số liệu của Trung ương). Điều này cho thấy nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn thiếu sót. Cho đến nay, chưa thấy có nghiên cứu về chất lượng giải quyết  khiếu nại nói chung và khiếu nại về đất đai nói riêng. Các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết khiếu nại bằng nhiều phương pháp, tỷ lệ “đã giải quyết” luôn đạt tỷ lệ rất cao, trên 80%. Tuy nhiên, một nghịch lý xảy ra đó là số vụ việc khiếu nại vẫn tăng lên không ngừng. Điều đó có thể hiểu là tình trạng người sử dụng đất đai luôn khiếu kiện vượt cấp và kéo dài. Nói cách khác, dù vụ việc đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nhưng chưa thực sự thỏa đáng đối với các bên. Do vậy, người dân tiếp tục khiếu kiện vượt cấp, có rất nhiều người đã mất thời gian hàng chục năm để mong được đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này có thể thấy, người dân cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ tài sản của mình. Tuy nhiên, không hiếm tình trạng có một số đơn vị do sức ép về trách nhiệm giải quyết, thường chỉ quan tâm đến ban hành các quyết định giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn luật định mà chưa thực sự quan tâm nhiều đến phương án giải quyết của mình có khả thi hay không? Có được người khiếu nại chấp nhận hay không? Chưa quan tâm đến việc tìm ra sự đồng thuận giữa các bên trong tranh chấp. Đặc biệt là yếu tố thuyết phục người khiếu nại chấp nhận phương án giải quyết của chính mình chưa thực sự được coi trọng đúng mức. Ngoài ra, việc đối thoại trong giải quyết khiếu nại cũng là một khâu vô cùng quan trọng. Khi xảy ra mâu thuẫn hiện hữu về đất đai, đối thoại còn là cơ hội để các bên trong tranh chấp “thuyết phục” lẫn nhau bằng quan điểm, lý lẽ của mình để tìm ra một giải pháp có tính đồng thuận, một kết cục ít tốn kém nhất và bảo đảm hiệu lực thi hành các quyết định cần giải quyết. Việc này có thể thực hiện nhiều lần với chủ thể tham gia là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và các bên liên quan.

Khu đầm hiện nay giáp ngòi cống Thành Tre II diễn ra tranh chấp giữa ông Mai Đức Quy và ông Lương Văn Trường xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng

Như kỳ trước chúng tôi đã có bài phản ánh về sự việc xảy ra tại khu nuôi trồng thủy sản xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng của gia đình ông Mai Đức Quy. Vào năm 2002, ông Mai Đức Quy nhận bàn giao đầm thủy sản của tổ đồng do ông Nguyễn Thụ Hoát đại diện , sau nhiều lần ông Quy kiến nghị lên UBND xã Vinh Quang và UBND huyện Tiên Lãng nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Gia đình ông Quy đã hoàn thành các thủ tục và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước đến năm 2019. Từ đó đến nay, gia đình ông Quy do thắc mắc về một số thủ tục đất đai nên dừng lại việc nộp thuế khoán sử dụng đất và ký hợp đồng tiếp theo. Ông Quy chia sẻ: “Thời gian trước đây khi tổ đồng của ông Hoát bàn giao lại cho chúng tôi đã có đường bờ vùng bao quanh rộng 4 m vì điều này có nằm trong hợp đồng của tổ đồng ký với HTX nông nghiệp xã Vinh Quang từ thời điểm 1992. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình sử dụng và cải tạo đầm theo đúng như những gì ông Hoát đã chuyển giao cho tôi. Ngày 04/02/2021 tôi đang sử dụng máy xúc đi qua bờ để cải tạo đầm. Tôi yêu cầu ông Trường tạm thời dỡ đường dây điện để tôi cải tạo đầm. Ông Trường khi đó đã yêu cầu tôi chứng minh được rằng đường bờ này là của tôi thì ông Trường sẽ tìm lối khác để đi. Tôi đã lên UBND xã để yêu cầu xác minh đây là vùng đắp bờ đã được thực hiện từ ngày trước tuy nhiên UBND xã lại không giải quyết sự việc này. Tôi mong muốn được làm rõ khúc mắc vấn đề này để chúng tôi yên tâm làm ăn, khai thác thủy sản và hoàn thành nghĩa vụ của mình cho Nhà nước”. Trong hợp đồng đấu thầu năm 1992 được ký với HTX Nông nghiệp xã Vinh Quang có ghi rõ việc tổ đồng trước đây đã ghi rõ đắp bờ vùng bao quanh rộng 4m tuy nhiên hiện nay bờ này theo ông Quy lại đang tranh chấp với ông Trường. Chúng tôi đã hỏi vấn đề này với UBND xã Vinh Quang được ông Phạm Minh Hải - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ông Quy và anh Trường là mối quan hệ làng xóm thân thiết, khi trồng cột điện để kéo điện sang nhà anh Trường ông Quy rất hỗ trợ. Tuy nhiên khi đưa máy vào cải tạo thì anh Trường đưa ra lý do ông Quy chưa ký HĐ với UBND xã nên ông Quy không được khai thác sử dụng tại khu vực này. Ông Quy phải thực hiện việc ký HĐ và dưới sự quản lý của UBND xã thì ông Quy phải thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất thì chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của ông còn tiếp tục như này thì khác gì ông Quy đang chiếm đất công ích của xã để sử dụng”. Khu đầm do ông Lương Văn Trường hiện nay sử dụng từ hơn 10 năm nay cũng chưa ký hợp đồng với UBND xã. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Nếu các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Nếu không hòa giải được nữa thì có thể gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất.

Thiết nghĩ, việc hòa giải tranh chấp đất đai sẽ góp phần hạn chế mâu thuẫn về đất đai của người dân, tăng cường sự đoàn kết gắn bó cũng như tạo sự khăng khít về tình làng, nghĩa xóm, tình thân họ hàng. Ngoài ra, để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các bên cũng rất cần những cơ quan chức năng có thẩm quyền cần công khai, minh bạch hơn về quyền sử dụng đất nông nghiệp của các bên cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp để người dân có thể yên tâm sinh sống, làm ăn và phát triển kinh tế.

Nguyễn Hân và nhóm PV

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 63 - 21

Bình luận: 0