TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 04/12/2024

Yên Phong, Bắc Ninh: Bất cập tại Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội Thống Nhất Smart City và Cát Tường Smart City

15:17 12/08/2021
Logo header Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn và rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, không ít các Dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp làm chủ đầu tư đã bị biến tướng để thu lợi bất chính.

Triển khai các quy định của pháp luật về nhà ở và chương trình phát triển nhà ở của Tỉnh giai đoạn 2017-2022, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy thị trường nhà ở xã hội phát triển, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, nổi bật là các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, phát triển quỹ nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, quá trình chấp thuận đầu tư và triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, chưa đáp ứng được mục tiêu nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Trong số các dự án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Tỉnh, Dự án Khu nhà ở xã hội Thống Nhất Smart City của Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư phát triển Thống Nhất và Dự án Khu nhà ở xã hội Cát Tường Smart City của Công ty Cổ phần Cát Tường là điển hình của tình trạng trên. Đây là hai dự án nổi bật của tỉnh Bắc Ninh nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở công nhân của khu công nghiệp Yên Phong, giải quyết kịp thời các nhu cầu phát triển đô thị trong khu vực một cách hoàn chỉnh, đồng bộ và bền vững. 

    Sơ đồ mặt bằng của 02 Dự án (Nguồn: Internet)

Theo phản ánh của dư luận xã hội, Tri thức Xanh đã yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh làm rõ những bất cập tại Dự án Khu nhà ở xã hội Thống Nhất Smart City và Cát Tường Smart City. Tuy nhiên, sau hơn hơn 50 ngày đề nghị cung cấp thông tin, với nhiều văn bản yêu cầu cũng như đề nghị cung cấp báo chí của các nhà báo, phóng viên, UBND tỉnh Bắc Ninh vẫn cố tình né tránh, từ chối cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí.

Theo quy định của pháp luật, việc triển khai dự án phải công khai, minh bạch từ bước lập quy hoạch, xin ý kiến quy hoạch, quyết định chủ trương, lựa chọn chủ đầu tư, thu hồi đất, giao đất... Tuy nhiên, hầu như không có bất cứ thông tin nào liên quan đến 02 dự án được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước. Vậy, nguyên nhân, động cơ, mục đích nào khiến các cơ quan quản lý nhà nước từ chối công khai và cung cấp thông tin về hai Dự án đặc biệt nêu trên? Có hay không việc né tránh cung cấp thông tin để bao che cho các dấu hiệu sai phạm tại Dự án?

Những dấu hiệu bất thường tại Thống Nhất Smart City và Cát Tường Smart City

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Điều 53 Luật Nhà ở 2014 quy định Sở Xây dựng phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư trong trường hợp Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để xây dựng nhà ở xã hội không phải bằng vốn ngân sách nhà nước.

Điều 8 Luật Đấu thầu 2013 quy định các thông tin phải được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, Báo Đấu thầu bao gồm: Danh mục dự án có sử dụng đất; Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển; Thông báo mời chào hàng, thông báo mời thầu; Danh sách ngắn; Kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Kết quả mở thầu... Tuy nhiên, theo thông báo của Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, hai dự án Cát Tường Smart City và Thống Nhất Smart City chưa từng được công bố trên Hệ thống.

Vậy, UBND tỉnh Bắc Ninh đã lựa chọn Chủ đầu tư 02 Dự án Cát Tường Smart City và Thống Nhất Smart City theo hình thức nào: Đấu thầu dự án có sử dụng đất hay giao làm chủ đầu tư? Việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cho hai Dự án đã đảm bảo công bằng, khách quan, công khai, minh bạch hay chưa? Có hay không việc bưng bít thông tin để cản trở hoạt động đầu tư?

Thứ hai, theo những tài liệu Tri thức Xanh thu thập được, hai Dự án Cát Tường Smart City và Thống Nhất Smart City cùng được UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 12/02/2018 tại các Quyết định số 107/QĐ-UBND và Quyết định số 108/QĐ-UBND. Hai dự án có ranh giới tiếp giáp, cùng chung một ô quy hoạch; có mục tiêu và quy mô tương tự nhau; các quyết định hành chính chấp thuận thực hiện dự án diễn ra trong cùng thời điểm; cả hai Công ty Thống Nhất và Công ty Cát Tường đều do ông P.T. Dũng làm Tổng giám đốc, chiếm 50% tổng số cổ phần tại mỗi công ty.

Theo Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu phía Đông Bắc thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt tại Quyết định số 782/QĐ-UBND ngày 21/6/2017, khu đất thực hiện hai dự án nằm trong cùng 1 ô quy hoạch với tổng diện tích hơn 18ha, được quy hoạch là đất ở mới. Trong đó, tổng diện tích đất trồng lúa (hiện trạng) của lô đất này là trên 12ha. Theo quy định tại Điều 58 Luật Đất đai 2013, khi thực hiện Dự án phải có Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bắc Ninh không thực hiện theo các quy định nêu trên mà lại chấp thuận với đề xuất của chủ đầu tư, chia tách ô đất quy hoạch thành 2 dự án nhỏ hơn để không xin ý kiến Thủ tướng về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa; mặc dù thực tế có thể thấy 2 dự án này hoàn toàn đồng nhất về quy hoạch, đồng nhất về thời gian thực hiện, đồng nhất về người đại diện pháp luật của hai Chủ đầu tư. Điều này khiến dư luận cảm thấy bất lực trước cách thức tổ chức thực hiện quy hoạch và phát triển dự án của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.

Thứ ba, pháp luật về xây dựng quy định những công trình được miễn giấy phép xây dựng trong đó có trường hợp Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (Điểm e Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014). Vậy, đối với những công trình có tổng diện tích sàn trên 500m2 đang triển khai xây dựng tại các lô SH-A1, SH-A19, SH-A21, SH-A23, SH-A25 của Dự án Cát Tường Smart City đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hay chưa?

Theo quy định tại Điều 21 của Nghị định 100/2015/NĐ-CP, giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư, còn đối với giá thuê mua là không vượt quá 15%. Đồng thời, giá bán phải giảm trừ phần chi phí khấu hao nhà ở tương ứng với thời gian đã thuê và khung thời gian trích khấu hao của công trình được xác định theo phương án giá đã trình và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Như vậy, toàn bộ thông tin về quá trình triển khai, lập và phê duyệt kinh phí thực hiện dự án, các hạng mục thi công, quyết toán đầu tư xây dựng tại dự án phải được công khai, minh bạch để người dân, cơ quan quản lý thuế và các cơ quan nhà nước giám sát về giá bán, nghĩa vụ tài chính, lợi nhuận định mức của chủ đầu tư... Tuy nhiên, trên thực tế còn tồn tại nhiều bất cập xung quanh giá bán nhà ở xã hội, người dân khi mua nhà ở xã hội cần tìm hiểu rõ các quy định pháp luật về nhà ở xã hội cũng như hồ sơ pháp lý của dự án để hạn chế rủi ro, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình.

Các dự án phát triển nhà ở xã hội là đặc biệt quan trọng và được hỗ trợ, ưu đãi đầu tư rất lớn; đặc biệt là việc chủ đầu tư được miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng... Tuy nhiên, nếu không tuân thủ, thượng tôn pháp luật, thì nguy cơ xuất hiện “lợi ích nhóm” và “trục lợi chính sách” là rất lớn. Trong khuôn khổ Chuyên đề “Pháp luật và thực hiện pháp luật về Công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động đầu tư, xây dựng và đất đai của cơ quan hành chính ở Việt Nam”, nhóm tác giả sẽ tiếp tục phân tích và làm rõ các dấu hiệu nêu trên trong các kỳ tiếp theo.

Hồng Đức và Nhóm PVĐT.

Theo Tri thức Xanh Số 74-21

Bình luận: 0